Bánh mì Việt Nam là loại bánh mì có vỏ giòn nhưng lại rất mỏng, nhiều ruột nhưng xốp, dai và mềm. Có nhiều cách để làm bánh mì có ruột mềm, xốp như thêm phụ gia, vitamin C, hay giấm, nhưng những thành phần này ít nhiều ảnh hưởng đến vị của bánh.
Hôm nay, Duculaba xin chia sẻ cùng các bạn công thức làm bánh mì Việt Nam sẽ chỉ gồm 5 thành phần cơ bản của bất kỳ loại bánh mì "gầy" (lean dough bread) nào. Năm thành phần đó là bột mì, men nở, muối, đường và nước.
Đặc biệt công thức bánh mì này không sử dụng máy nhồi bột nhưng vẫn đảm bảo bạn làm ra thành phẩm ưng ý nhất.
-Nguyên Liệu:
* 210 g bột mì số 13
* 4 g (1 1/3 tsp) men instant (men khô thường và men tưoi xem chú ý)
* 8 g (2 tsp) đường
* 2 g (1/3 tsp) muối
* 130-145 g nước
-Dụng Cụ:
* Âu trộn bột,spatula, cân điện tử, lò nướng, khuôn nướng bánh mì
Cách làm:
Bước 1: Trộn bột
Đầu tiên, bạn cân 210 g bột vào một cái âu, sau đó bỏ bớt 10 g bột ra để sử dụng làm bột áo khi nhồi bột. Tiếp theo, bạn cân muối, đường, men instant vào âu bột luôn, nhưng chú ý để các nguyên liệu này ở các góc khác nhau của âu.
Sau đó, bạn trộn muối/ đường/ men với bột ở mỗi góc, rồi trộn đều tất cả.
Tiếp theo, bạn tạo một khoảng trống ở giữa âu bột, cho 130 g nước vào.
Bạn dùng que vét bột, thìa gỗ hay tay trộn đều nước với bột để không còn phần bột khô nào.
Bạn dùng màng bọc nylon, bọc âu lại, để bột nghỉ 20-30 phút trước khi bắt đầu nhào bột.
Bước 2: Nhồi bột
Sau khi để bột nghỉ, bạn lấy bột từ chỗ 10 g bột còn lại xoa đều lên tay và rắc một ít lên bề mặt phẳng, đổ bột ra và bắt đầu nhồi bột 10 đến 15 phút. Cách nhồi rất đơn giản, bạn chỉ cần đẩy bột ra xa rồi gập lại và cứ tiếp tục như vậy. Bạn có thể xoay khối bột 90°C sau mỗi lần gập bột.
Nếu bột bị khô hay bị quá ướt thì bạn đều chỉ nên thêm bột và nước từ lượng còn lại của công thức tức là 10 g bột và 15 g nước.
Sau khi nhồi xong, mặt bột đã mịn hơn và bột cũng bớt dính hơn, Bạn có thể dễ dàng nhắc bột khỏi bề mặt mà không bị dính.
Bạn đậy bột lại bằng màng nylon hoặc chính âu trộn bột lúc nãy và để bột nghỉ 10 phút. Sau đó bạn lại tiếp tục nhồi thêm khoảng 10 - 15 phút. Lúc này, bột rất mịn và đàn hồi, bạn có thể kéo được màng. Tuy nhiên, việc không kéo được màng cũng không sao, nhưng bạn phải chắc chắn rằng khối bột cầm nhẹ tay và có độ đàn hồi tốt. Tức là khi bạn ấn vào bột thì bột sẽ căng trở lại.
Bước 3: Ủ bột
Tiếp theo, bạn chuẩn bị 1 âu hoặc hộp sạch và đặt bột vào. Sau đó, bạn bọc kín lại và ủ ở nơi ấm áp, khoảng 30 - 35 °C cho đến khi bột nở gấp đôi. Nếu bột được ủ đúng nhiệt độ sẽ nở gấp đôi sau khoảng 1 tiếng. Nơi ấm áp nhất trong căn bếp của bạn thường là trên nóc tủ lạnh hoặc trong lò vi sóng không bật nên bạn có thể đặt khay bột ở đó.
Bước 4: Tạo hình và ủ lần 2
Sau khi bột nở khoảng gấp đôi thì bạn nhẹ nhàng lấy bột ra. Bạn nên sử dụng dụng cụ vét âu để lấy bột ra thay vì kéo bột ra bằng tay bởi điều này rất dễ làm vớ các bọt khí trong bột.
Khối bột thu được từ công thức sẽ vào khoảng 350 g, bạn sẽ chia đều bột thành 5 phần bằng nhau, mỗi phần 65 - 70 g. Bạn cũng có thể chia nhỏ hơn thành 6 phần, mỗi phần khoảng 60 g. Sau đó, bạn dùng màng bọc thực phẩm để phủ lên các khối bột vừa chia để tránh bột bị khô và bắt đầu tạo hình.
Bạn phủ 1 lớp bột áo rất mỏng lên mặt bàn và xoa ít bột vào tay. Tiếp đó, bạn đặt 1 phần bột lên mặt bàn và dùng tay dàn nhẹ thành hình elip hoặc chữ nhật. Bạn gập hai mép của phần đầu thon phía xa ban vào giữa, khi đó sẽ tạo ra một góc ngọn của hình tam giác. Bạn gập cái góc này xuống, rồi cuộn dần bột đến hết phía đầu còn lại của miếng bột. Bạn nhớ vừa cuộn vừa đẩy về phía trên để mặt bột căng mịn. Sau đó, bạn dùng hai tay vê hai đầu bánh cho bột dồn vào giữa và hai đầu thon lại.
Bạn đặt bột lên khay nướng có lỗ rồi đậy bột bằng màng nylon, ủ bột nơi ấm áp 30 - 35°C trong khoảng 40 - 50 phút để bột nở trở lại.
Bước 5: Nướng bánh
Sau khi ủ lần hai được khoảng 20 phút thì bạn bắt đầu bật lò nướng ở 250 °C và làm nóng lò trong khoảng 20 đến 25 phút.
Sau khi bột ủ đủ, bạn sẽ thấy bột căng lên và mọng hơn trước khi ủ. Bạn dùng dao lam rạch một đường dọc theo bánh sâu khoảng 3 - 5 mm.
Bạn dùng bình xịt phun nhẹ một lớp nước mỏng lên bề mặt bánh, rồi cho bánh vào nướng.
Trước khi cho bánh vào nướng, bạn đổ nước sôi vào một khay hoặc cốc dùng được trong lò nướng và cho xuống rãnh cuối cùng hoặc đáy lò. Sau đó, bạn cho khay bánh vào rãnh giữa, nướng bánh ở nhiệt độ 220 °C ở 7 - 10 phút đầu, sau đó hạ xuống 200 °C và nướng tiếp 7 - 10 phút nữa đến khi bánh được vàng đều.
Nếu lò nướng của bạn nhiệt không đều bạn có thể xoay hay bánh sau khi giảm nhiệt và có thể dùng giấy bạc che mặt bánh nếu bị vàng quá nhanh.
Sau khi nướng bạn để bánh trong lò thêm 3 - 4 phút cho bánh được giòn hơn rồi lấy ra để lên giá.
Thành phẩm thu được là những chiếc bánh có màu vàng đều, vỏ giòn rụm nhưng ruột lại rất mềm, xốp, có nhiều lỗ khí. Khi bạn bóp nhẹ bánh sẽ nghe tiếng kêu lách tách khe khẽ.
Bạn có thể thưởng thức theo bất kỳ cách nào bạn muốn như ăn trực tiếp, chấm sữa, chấm đường, ăn với bò kho, sốt vang, phá lẩu,...
Và điều mang "bánh mì Việt Nam" đến tới bạn bè muôn nơi là những chiếc bánh mì kẹp với các nhân mặn như trứng, thịt, pate, xúc xích,... và thành phần không thể thiếu - dưa góp.
Chúc các bạn thành công với công thức này. Và đừng quên ghé Duculaba để chọn mua các loại nguyên liệu và dụng cụ làm bánh chất lượng tốt nhất nhé!
---------------------------------------
DUCULABA - THẾ GIỚI ĐỒ LÀM BÁNH
- Địa chỉ: Hoàng Mai, Hà Nội
- Hotline: (+84) 833 007 887
- Website: www.duculaba.com
- Email: [email protected]
- Fanpage: https://m.facebook.com/duculabavn/
- Shopee link: shopee.vn/duculaba.vn